Tác
giả: Hoàng Anh Tuấn
Thành công của người
Do Thái nhiều người đã biết, đã nghe từ lâu và có thể kể cả ngày, cả tháng cũng
không hết. Là người đã tìm hiểu câu chuyện này cả chục năm nay, càng đi sâu tìm
hiểu về những thành công của Israel và người Do Thái, tôi càng thấy phức tạp
nhưng cũng hết sức thú vị. Chuyến đi Israel lần này, ngoài các công việc thường
lệ, rất nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, thảo luận với nhiều người, nhiều giới,
nhiều nơi khác nhau giúp tôi kiểm chứng, củng cố thêm các nhận định trước đây
của mình; biết thêm nhiều vấn đề mới; đồng thời cũng xóa bỏ một số các định
kiến một chiều, phiến diện.
Có rất nhiều câu hỏi
đeo đẳng trong suốt quá trình tìm hiểu để có câu trả lời thấu đáo, đại loại
như:
1. Tại sao chỉ chiếm
một phần nhỏ của dân số thế giới, nhưng người Do Thái lại có sự thông tuệ vượt
thời gian, hơn hẳn các dân tộc khác trên thế giới? Nếu tính theo chỉ số IQ, chỉ
số trung bình của người Do Thái là 110 so với chỉ số trung bình 100 của thế
giới. Tuy mức chênh lệch IQ chỉ là 10, nhưng tỷ lệ thiên tài trong nhóm những
người có IQ 110 cao hơn nhóm có chỉ số IQ 100 tới 120-150 lần!
2. Phải chăng người Do
Thái có “gien” thông minh hơn người và “gien” này được lưu giữ và truyền từ đời
này qua đời khác?
Câu chuyện này đã được
nhiều nhà khoa học âm thầm nghiên cứu để tìm câu trả lời thấu đáo. Tuy nhiên,
người Do Thái lại “bác bỏ” điều nay, cho rằng sở dĩ người Do Thái thành công là
do điều kiện, hoàn cảnh bắt buộc họ phải nỗ lực, sáng tạo và vươn lên không
ngừng để thích nghi với hoàn cảnh. Vậy thực, hư câu chuyện này ra sao?
3. Nếu như có “gien”
Do Thái như vậy thì “gien” này được “lưu giữ” và phát triển ra sao từ thời “Cụ
Tổ” của người Do Thái đến nay và trong hoàn cảnh họ bị ly tán, tha phương cầu
thực?
Người Do Thái hiện nay
đều coi Thủy tổ của mình là ông Abraham (và cũng là của người Hồi giáo – Người
Hồi giáo gọi là Ibrahim) ra đời cách đây khoảng 4000 năm, và Nhà Tiên tri
Moses, ra đời cách đây khoảng 3600 năm. Ông Mosses đã dẫn dắt các nô lệ người
Do Thái chạy trốn khỏi Ai Cập và đến khu vực Bắc Israel hiện nay, thống nhất 12
bộ lạc khác để lập ra nhà nước Do Thái. Hiện nay Israel là quốc gia Do Thái duy
nhất trên thế giới, người dân đa phần là người Do Thái và quốc đạo là Đạo Do
Thái. Để dễ hình dung, nếu có một nước khác có đặc trưng tương tự như Israel,
chẳng hạn Trung Quốc, thì đặc trưng nước đó sẽ là: Người Trung Quốc, nước Trung
Quốc, Đạo Trung Quốc. Nhưng trên thực tế ta thấy: người Hán, nước Trung Quốc và
Đạo Khổng.
4. Tại khu vực hiện
gồm phía Bắc Ai Cập, lãnh thổ Israel, Palestine, Gioóc-đa-ni hiện nay, khu vực
phía Nam Syria, và phía Đông Bắc Iraq vốn trước đây là khu vực tranh chấp quyết
liệt giữa bộ lạc Do Thái với các bộ lạc khác trong khu vực, cũng như giữa các
đế chế lân bang với nhau như Roma, Assyria, Babilon, Ottoman… nhằm kiểm soát
khu vực đồng bằng ven biển Israel và khu đồi cao Jerusalem để cho được gần với
Đức Chúa trời. Sau sự kiện Ngôi đền thứ nhất của người Do Thái bị đốt năm 586
trước Công Nguyên thì mục tiêu xâm lược là để chiếm miền đất thánh Jerusalem,
nơi cả 3 tôn giáo (Do Thái, Thiên chúa, Hồi giáo) đều coi là đất thiêng của
mình.
Vậy tại sao trong khi
hầu hết các bộ tộc du mục khác bị đồng hóa, hoặc bị tuyệt diệt, nhưng người Do
Thái lại “thoát” được nạn này (tuy rằng người Do Thái cũng trải qua nạn diệt
chủng Holocaust và một số cuộc truy sát tập thể trong quá khứ)? Vậy họ đã
“thoát” bằng cách nào?
5. Tại sao người Do
Thái lại có truyền thống hiếu học và tỷ lệ biết chữ rất cao so với những dân du
mục cùng thời? Tại sao người Do Thái lại đi tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực
như khoa học tự nhiên, luật, khoa học chính trị, công nghiệp giải trí…?
Từ hàng ngàn năm trước
công nguyên trẻ em Do Thái hầu hết biết đọc biết viết, và khi lưu lạc ở châu
Âu, người Do Thái cũng có tỷ lệ biết đọc, biết viết cao hơn người bản địa. Cần
nhớ, trước thời kỳ Phục Hưng cả châu Âu chìm đắm trong u muội, tỷ lệ mù chữ lên
tới 80-90% dân số. Đến những năm 1930 của thế kỷ trước, người Do Thái gần như
độc quyền trong lĩnh vực nghiên cứu năng lượng nguyên tử, thậm chí thời kỳ đó
người ta còn gọi ngành khoa học này là “ngành khoa học Do Thái”.
Nhìn rộng hơn, không
chỉ người Do Thái quan tâm đến chuyện học hành của con cái, mà người Đông Á, kể
cả Việt Nam, cũng vậy và có thể kể ra không ít các tấm gương thành công đáng
ngưỡng mộ. Nhiều gia đình sẵn sàng bán nhà, bán cửa để đầu tư chuyện học hành
của con cái. Tuy nhiên đạt đến đỉnh cao trí tuệ như Albert Einstein, Karl Marx,
Noam Chomski và rất nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel gốc Do Thái lại là một
câu chuyện hoàn toàn khác. Tại sao người Do Thái làm được chuyện đó?
6. Trên thế giới đã
từng có dân tộc nào bị trục xuất, sống lưu vong trên hai ngàn năm mà vẫn giữ
được bản sắc, tiếng nói, chữ viết và tập tục của mình như người Do Thái không?
7. Các giáo sĩ
(Rabbi), Hội đồng giáo sĩ và những người Do Thái chính thống là những người có
địa vị và tiếng nói quan trọng trong xã hội. Vậy họ có vai trò ra sao trong
việc duy trì tập tục, bản sắc và “nòi giống” Do Thái?
8. Tại sao mô hình
Kibbudz của người Do Thái lại thành công và có sức sống kỳ diệu ở Israel, trong
khi mô hình này lại không thành công hoặc không thể thành công ở các quốc gia
khác. Cốt lõi tạo nên thành công của các Kibbudz là gì?
9. Khi người Do Thái
được thực hiện giấc mơ “Phục quốc” năm 1948, hàng trăm ngàn người Do Thái từ
trên 70 quốc gia khác nhau trên khắp thế giới đổ về mảnh đất Israel, họ đã sát
cánh cùng nhau bắt tay xây dựng và bảo vệ đất nước. Tiếp đó, sau các biến động
ở Liên Xô và châu Âu trong những năm 1989-1990, 1,5 triệu người Do Thái (tức
trên 1/4 dân số) trở về “cố quốc”. Mỹ, Australia, Canada cũng là quốc gia của
những người nhập cư, nhưng chưa từng chứng kiến lượng lớn người nhập cư đổ về
(tính theo tỷ lệ dân số) trong một thời gian ngắn đến vậy. Tuy đến từ nhiều xứ
sở khác nhau, nhưng hầu hết những người Do Thái không bị gặp các rào cản ngôn ngữ
và nhanh chóng hội nhập vào xã hội mới. Chuyện này thực hư thế nào và được thực
hiện ra sao?
Còn rất nhiều các câu
hỏi khác nữa. Vấn đề đặt ra là mô hình Israel và bài học thành công của người
Do Thái (tạm bỏ qua một bên các khiếm khuyết và một số “thói hư, tật xấu” của
người Do Thái) có thể học được không và áp dụng ở quy mô nào (gia đình, dòng họ,
công ty, thiết chế, đất nước…)?
Israel:
Cường quốc nông nghiệp giữa sa mạc
Do điều kiện tự nhiên,
sa mạc chiếm đến 60% tổng số 20.000 km2 diện tích, nên đất đai canh tác còn lại
của Israel rất ít và chủ yếu nằm ở khu vực đồng bằng ven biển. Tuy nhiên, điều
này không ngăn cản Israel trở thành nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế
giới, chủ yếu nhờ đi tiên phong trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành
tựu khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Đi thăm các cơ sở nông
nghiệp Israel mới thấy trình độ công nghiệp hóa nông nghiệp và khả năng lập kế
hoạch sản xuất, dự báo thị trường của Israel đạt đến trình độ rất cao. Có lẽ
dùng từ “nông dân” đối với họ là không chính xác, mà là công nhân nông nghiệp.
Ngoài ra, đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa 4 “Nhà”, gồm: (i) Nhà nước; (ii) Nhà
khoa học; (iii) Nhà buôn; và (iv) Nhà nông. “Nhà nông” ở đây cần được hiểu là
người bỏ vốn đầu tư, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình sản xuất
nông nghiệp.
Đất đai ở Israel được
nhà nước quản lý rất chặt chẽ. Nhà ở của dân thì xây trên các triền núi đá, khó
cải tạo thành đất nông nghiệp, còn đất đồng bằng tuyệt đối sử dụng cho trồng
trọt và canh tác. Thậm chí đất hoang mạc, nhưng tương đối bằng phẳng có thể cải
tạo thành đất nông nghiệp thì cũng không được làm nhà ở trên đó.
Israel đi tiên phong
trên thế giới trong lĩnh vực cải tạo đất hoang mạc, sa mạc thành đất nông
nghiệp trù phú. Quy trình như sau (để đơn giản hóa): (i) San bằng đất hoang
mạc, sỏi đá; (ii) Phủ lên đó 1 lớp đất dày, ít nhất là 1/2 m; (iii) Trồng các
loại cỏ hoặc cây dại không cần tưới nước khoảng từ 3-5 năm, để biến đất chết
thành đất màu; (iv) Sau quá trình cải tạo này, đất hoang mạc biến thành đất
nông nghiệp và được giao cho các chủ đất (nhà đầu tư) để tiến hành sản xuất.
Về mặt sinh thái, bước
vào thế kỷ 21, Israel là nước duy nhất trên thế giới đã mở rộng được diện tích
rừng và quỹ đất nông nghiệp.
Tuy là nước nhỏ, có 8
triệu dân, nhưng Israel lại có hệ thống đường dẫn nước tái sử dụng dài nhất thế
giới. Toàn bộ lượng nước thải được dẫn trở lại các trung tâm xử lý, lọc lại,
sau đó được dẫn ngược trở lại theo các đường ống để sử dụng tưới tiêu cho nông
nghiệp.
Hệ thống ống dẫn nước
tưới được dẫn đến từng khoảnh vườn, tới từng cây và việc tưới được vi tính hóa
qua hệ thống điều khiển ở trung tâm về thời gian tưới, lượng nước tưới sao cho
phù hợp nhất với thời tiết, độ sinh trưởng của từng loại cây. Cũng từ trung
tâm, các kỹ sư nông nghiệp sử dụng luôn đường ống dẫn nước để dẫn phân bón hoặc
chất dinh dưỡng cần cho cây theo định kỳ.
Tại đầu từng khoảnh
vườn, có bảng ghi chi tiết vườn trồng cây gì, giống nào, từ khi nào… Nhìn chung
các cây trồng (cam, bưỏi, cà chua, ớt.. ) là những loại cây trồng có năng suất
cao, đã được lai ghép cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng Israel là chịu nắng,
chịu khô, chịu sâu bệnh nhưng lại cho năng suất cao và chất lượng quả, trái cây
tốt.
Mỗi cây cam hoặc bưởi
trông thấp như vậy nhưng lại rất sai quả và có thể cho đến vài tạ quả/cây khi
đến mùa thu hoạch. Với lợi thế là trồng cây quả nhiệt đới có chất lượng cao, ổn
định, hệ thống kiểm định chất lượng chặt chẽ, ở ngay sát châu Âu và cung cấp
những hoa quả nhiệt đới “trái vụ” khi châu Âu bước vào mùa đông nên hoa quả
Israel có rất nhiều lợi thế về giá và thị trường.
Đây có lẽ chính là mô
hình đầu tư, sản xuất, phát triển và kinh doanh nông nghiệp mà một nước nông
nghiệp như chúng ta cần học hỏi và để làm giàu tại ngay chính mảnh đất quê
hương mình. Nếu so với Israel, có lẽ đất đai miền Trung Việt Nam còn màu mỡ và
có các điều kiện tự nhiên để sản xuất tốt hơn nhiều. Ngay một nước có nền nông
nghiệp phát triển nhất ở khu vực như Thái Lan cũng có hàng ngàn thực tập sinh
lao động trong các trang trại, mà thực chất là lao động xuất khẩu.
Có điều ít người để ý
là trong khi thực tập sinh Việt Nam chăm chỉ làm lụng, tiết kiệm từng đồng gửi
về cho gia đình, vợ con, thì khá nhiều “lao động” Thái là các “tình báo” nông
nghiệp. Họ là các kỹ sư, con cái các chủ nông trại Thái, những người nuôi chí
làm giàu bằng nghề nông và sử dụng thời gian lao động tại Israel như một hình
thức “khổ nhục kế”, âm thầm tìm hiểu quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý…
để tìm đường khởi nghiệp làm giàu cho mình và cho nước Thái sau này.
Vậy ta nên và sẽ làm
gì? Xin nhường câu trả lời cho các bạn trẻ.
Kinh
Do Thái, lối sống, bản sắc, và tiếng Hebrew
Có ba câu chuyện ngồi
ngẫm lại thấy khá hay và cũng phần nào liên quan đến chủ đề sắp bàn dưới đây.
CÂU CHUYỆN 1: Công
việc đã xong, nhưng rủi một cái là không thể bay về được vì là ngày Thứ 7 nên
hãng hàng không Israel El Al không làm việc. Nhưng lại có cái may là nhờ đó
hiểu được thêm về kỳ nghỉ cuối tuần Thứ 6 và Thứ 7 (lễ Sabbath, người Do Thái
đi làm từ Chủ nhật đến hết Thứ 5) của người Do Thái. Khi đi trên đường, đặc
biệt ngày Thứ 7, thấy đường phố vắng ngắt và gặp không ít đàn ông Do Thái chính
thống (Jewish Orthodox) mặc bộ đồ đen, đầu cũng đội mũ đen rộng vành, đứng trên
vỉa hè, hai tay cầm quyển Kinh thánh Do Thái đọc lẩm nhẩm hàng tiếng đồng hồ
với động tác hết sức thành kính và giữa trời nắng chang chang, trong khi đầu
gật tới gật lui. Điều này không chỉ gây cho tôi sự ngạc nhiên thích thú, mà còn
gợi ra rất nhiều điều.
CÂU CHUYỆN 2: Trước
đó, khi chia tay Đại sứ Dan Stav, người tháp tùng trong suốt chuyến đi, tôi có
nói rằng “Khi tôi mới đến nơi, ông Đại sứ có nói Bộ Ngoại giao Israel có khoảng
1000 nhà ngoại giao. Giờ đây khi đã xong các cuộc tiếp xúc tôi chỉ đồng ý một
nửa. Các ông không chỉ có 1000 nhà ngoại giao, mà đó còn là 1000 Giáo sư nữa”.
Dan ngửa mặt cười ha hả. Quả thực, hiếm có nước nào, kể cả các cường quốc, lại
có nhiều nhà ngoại giao nắm giữ các vị trí chủ chốt nhưng lại có trình độ khá
đều tay, am hiểu sâu chuyên môn và có thể trình bày vấn đề mạch lạc như một
giáo sư đại học. Không chỉ rành chuyên môn, họ còn thể hiện tác phong hết sức
chuyên nghiệp, động tác mạnh mẽ, dứt khoát.
CÂU CHUYỆN 3: Khi vào
phòng làm việc với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc Phòng của họ, tôi hơi ngạc
nhiên khi thấy phòng khách bày biện khá đơn giản, không rõ chỗ ngồi của chủ và
khách. Bèn hỏi cô lễ tân là ngồi thế nào, cô để “Sếp” cô ngồi đâu. Câu trả lời
là: Các ông ngồi thế nào thì tùy và chỉ cần để một chỗ cho ông ấy ngồi là OK.
Sau này mới thấy rõ hơn, trừ một số cuộc gặp phải tuân thủ một số nghi lễ ngoại
giao bắt buộc, việc ngồi tự do (free sitting) tạo không khí thảo luận thoải mái
và bình đẳng giữa chủ và khách, càng ngạc nhiên hơn khi đây cũng chính là cách
người Israel ngồi khi thảo luận nội bộ!
Quay trở lại Phần 1,
tôi thấy rằng các câu trả lời về nguyên nhân thành công của người Do Thái, sự
cố kết của dân tộc này đều khởi nguồn từ 3 yếu tố chính (i) cuốn Kinh Do Thái
(Jewish Bible), (ii) cách thức duy trì Đạo, bản sắc và lối sống Do Thái; và
(iii) tiếng Hebrew. Các vấn đề khác như “gien” và tố chất thông minh của người
Do Thái; tính hiếu học, ham hiểu biết và sáng tạo; cách duy trì và tổ chức cuộc
sống, đời sống xã hội một cách văn minh, lành mạnh của họ đều bắt nguồn từ 3
yếu tố trên. Và cũng thật trớ trêu, đây lại là nguyên nhân chính khiến họ bị
xua đuổi, miệt thị, truy sát trong hơn 20 thế kỷ qua. Tôi cũng nghiệm thấy rất
ít dân tộc, quốc gia có thể học được theo họ, trừ phi anh cũng trở thành… người
Do thái như họ!
Ta hãy đi từng vấn đề
một:
Thứ
nhất, Israel là đất
nước duy nhất trên thế giới được định hình bởi 4 yếu tố mang đậm chất Do Thái
là: (i) Dân tộc Do Thái, (ii) Đạo Do Thái, (iii) văn hóa Do Thái, và (iv) Đất
nước Do Thái.
Trong các tôn giáo
trên thế giới, Đạo Do Thái được ghi nhận là đạo có tuổi đời lâu thứ hai trên
thế giới (ra đời cách đây khoảng 3000 năm), sau Đạo Hindu (ra đời cách đây
khoảng 4000 năm). Tuy nhiên, do Hindu là đạo đa thần, nên Do Thái giáo có thể
xem là đạo độc thần (Monotheistic) ra đời sớm nhất thế giới. Đạo Độc thần là
đạo chỉ thờ 1 vị chúa/thần/hoặc thánh duy nhất. Đạo Do Thái chỉ thờ duy nhất
Chúa trời, nên trên bàn thờ trong nhà thờ Do Thái họ trang trí đơn giản, không
thờ người hoặc động vật. Họ cho rằng, người là người, dứt khoát không thể là
chúa hay thánh được và chỉ có một Đức Chúa trời duy nhất. Phải chăng điều này
làm cho người Do Thái cũng như sinh hoạt tôn giáo của họ “dân chủ” hơn do không
bị phân tán, mất bớt quyền lực qua các nhân vật trung gian?
Một điều rất đặc biệt
là trong cuốn Kinh Torah (gồm 5 tập, ghi lại các lời của Nhà tiên tri Moses) có
ghi người Do Thái được Đức chúa trời chọn (the Chosen People) để truyền đạt
thông điệp của Chúa cho các dân tộc khác, dẫn dắt và khai sáng các dân tộc
khác. Người Do Thái rất tin vào điều này, tin vào “sứ mạng” được Chúa giao phó.
Đây có lẽ là động lực lớn nhất khiến người Do Thái luôn tìm cách đạt đến đỉnh
cao của khoa học, phấn đấu đủ tầm trí tuệ “dẫn dắt” nhân loại như họ nghĩ đã
được “Chúa lựa chọn”. Do đó, điểm nổi bật nhất ở người Do Thái là họ thấy mục
đích cao nhất của cuộc sống là sáng tạo, chứ không chỉ là kiếm tiền, và kiếm
tiền cũng như sự giàu có của họ thực ra là hệ quả của các lao động sáng tạo chứ
không phải mục đích mà họ theo đuổi.
Thứ
hai, trong bất kỳ tôn
giáo nào, tính “Giáo điều” đều tồn tại, duy chỉ khác nhau về mức độ. “Giáo
điều” là những điều được ghi trong kinh/kinh thánh hoặc được các Bề trên giảng
và được coi mặc nhiên đúng, không bàn cãi. Tuy nhiên, bản kinh Torah của người
Do Thái lại rất gợi mở để mọi người suy nghĩ, khám phá. Trong 5 cuốn Kinh Torah
thì có đến 4 cuốn nói về luật và 1 cuốn về các vấn đề trong cuộc sống, sinh
hoạt hàng ngày. Torah ghi các vấn đề trong cuộc sống, đặt ra các câu hỏi, gợi
mở để suy nghĩ, nhưng lại không chỉ có một câu trả lời, mà có nhiều câu trả lời
tùy thuộc bối cảnh khác nhau, và thậm chí còn để khoảng trống để mọi người cho
trí tưởng tượng bay bổng với các hỏi và câu trả lời. Trong bữa cơm gia đình
cuối ngày, hoặc trong ngày Sabbath, các thành viên trong gia đình, trong cộng
đồng đọc và tranh luận các điều ghi trong kinh thánh, và có thể chính điều này
làm tăng thêm năng lực trí tuệ, làm cho họ rất giỏi về luật.
Thứ
ba, các bạn Israel
cho biết, cuốn Kinh Torah giống như một cuốn sách khoa học hơn là một cuốn kinh
với các “Giáo điều”. Chẳng hạn, trong Kinh Torah ghi rõ ngày Thứ 7 là ngày Chúa
nghỉ ngơi, nên tất cả mọi người Israel, kể cả các nô lệ và súc vật không được
làm việc trong những ngày này. Ngày lễ Thứ 7 của họ gọi là ngày lễ Do Thái
(Sabbath) được xem là ngày “nghỉ tuyệt đối”, theo đó Chúa khuyên các thành viên
trong gia đình dành thời gian này bên nhau, cùng trò chuyện, đi chơi, vợ chồng
“yêu” nhau, gia đình cùng nhau đi đến nhà thờ (Synagogue). Trong ngày này, mọi
người không được bật lửa (vì thời xa xưa, bật lửa có nghĩa là phải vào bếp nấu
nướng, tức vẫn “đi làm”) và ăn đồ ăn được chuẩn bị từ hôm trước. Thậm chí thang
máy trong các cao ốc cũng để “chế độ Sabath”, tức người Do Thái không dùng tay
bấm nút (biểu hiện của “làm việc”), mà để thang tự chạy automatic và mở cửa
trước từng tầng một từ tầng thấp nhất đến tầng cao nhất của tòa nhà. Ngày Chủ
nhật là ngày làm việc đầu tiên của họ, và điều ngạc nhiên là theo cách gọi
trong Kinh thánh Do Thái các ngày làm việc trong tuần theo tuần tự là các ngày
“sáng tạo”, chứ không phải ngày “đi làm”.
Chỉ bấy nhiêu thôi
cũng gợi ra một số điều thú vị:
§ Ngày thứ 7 nghỉ tuyệt đối để lấy sức lao động
cho các ngày khác trong tuần và đây có thể là nguồn cảm hứng cho việc đấu tranh
đòi quyền của người lao động sau này;
§ Lễ Sabbath tạo sự gắn kết giữa các thành viên
trong gia đình (khi cả nhà cùng ngồi ăn quay quần bên nhau), và giữa các thành
viên trong cộng đồng (khi hàng xóm cùng kéo nhau đến nhà thờ);
§ Là cơ sở của việc đấu tranh giành quyền bình
đẳng phụ nữ (không lao động trong ngày Sabbath) sau này, cũng như quyền của
động vật;
§ Vợ chồng “sản xuất” em bé trong ngày nghỉ khi
tinh thần thoải mái thì đứa trẻ sau này cũng sẽ thông tuệ hơn.
Người
Do Thái coi trọng chuyện học hành
Người Do Thái rất chú
trọng đến chuyện học hành và chữ nghĩa của con cái. Cuốn Kinh Talmud từ cách đây
trên 2000 năm đã yêu cầu các ông bố, bà mẹ phải dạy cho con cái biết đọc, biết
viết từ năm lên 6 tuổi. Điều này, cũng như một số giáo lý khác trong kinh
Talmud, được người Do Thái thực hiện hết sức nghiêm túc (sẽ nói kỹ sau), một
phần vì thấy đúng, một phần vì sợ bị cộng đồng xa lánh. Do đó, từ cách đây trên
2000 năm người Do Thái cơ bản xóa được nạn mù chữ, với trên 90% người dân biết
đọc, biết viết.
Đối với cuộc sống của
con người hiện đại thời nay, điều này là quá sức bình thường. Tuy nhiên, đặt
trong bối cảnh người Do Thái là những người du mục, nông dân, thậm chí tha
phương cầu thực mà vẫn giữ được truyền thống này, trong bối cảnh tới trên 90%
dân châu Âu và các sắc dân khác ở Bắc Phi, Trung Đông ở xung quanh thời đó mù
chữ thì đây quả là điều phi thường. Không chỉ thời nay người Do Thái mới được
trọng dụng và phát huy vai trò, mà vào thời cực thịnh của Đạo Hồi (thế kỷ
IX-XIII) sau Công nguyên, người Do Thái được người Hồi giáo tin dùng và đóng
vai trò nổi trội là các thương gia biết tính toán, “ăn nên, làm ra” với hệ
thống buôn bán kéo dài từ Trung Đông, qua Nam Á và Đông Nam Á, thậm chí tới
Thượng Hải.
Vậy trong điều kiện bị
chiếm đóng và lưu lạc, họ duy trì được chữ viết và tiếng nói của mình ra sao
trong hàng ngàn năm mà không bị mai một? Câu trả lời chính là sự sùng đạo và
cuốn kinh Do Thái viết bằng tiếng Hebrew.
Hầu hết những người Do
Thái mà tôi gặp, dù là người Chính thống hay người Do Thái bình thường, đều nói
rằng khi gặp nạn, vật đầu tiên và cũng là vật quý giá nhất mà người Do Thái đem
theo đầu tiên đó chính là CUỐN KINH THÁNH, chứ không phải bất cứ vật dụng nào
khác. Cuốn Kinh thánh Do Thái (Hebrew Bible) đối với họ vừa là đức tin, vừa là
lịch sử, vừa là nguồn tri thức, vừa giúp họ giữ được bản sắc, vừa giúp họ có
tương lai:
Một
là, sự sùng đạo, khiến
người Do Thái phải đọc kinh liên tục, đọc thuộc làu, đọc ở trong nhà, đọc ngoài
đường, đọc ở nhà thờ… giúp người Do Thái giữ được tiếng nói, nhận diện được
ngôn ngữ đặc trưng của mình và được truyền từ đời này qua đời khác.
Hai
là, khi lưu lạc sang các
xứ khác nhau, ngữ âm của họ có bị thay đổi do phát âm theo thổ ngữ địa phương,
nhưng cơ bản họ vẫn hiểu được nhau dù lang bạt hàng ngàn năm, và tới tận 73
quốc gia và lãnh thổ khác nhau. Điều đó giải thích tại sao người Do Thái từ “tứ
xứ” đổ về, nhưng đã nhanh chóng gắn kết với nhau ngay sau khi Israel được tái
lập năm 1948.
Ba
là, không chỉ thạo tiếng
Hebrew, mà người Do Thái còn thạo tiếng bản địa nơi họ sinh sống. Như vậy trên
thực tế, người Do Thái sử dụng thông thạo hai ngoại ngữ từ rất sớm. Khoa học đã
chứng minh, những người hoặc nhóm cộng đồng sử dụng được trên 1 ngoại ngữ
thường có chỉ số IQ lớn hơn nhóm, hoặc người sử dụng ít ngôn ngữ hơn. Không chỉ
vậy, kinh thánh không chỉ là phương tiện duy trì ngôn ngữ, mà còn giúp họ mở
mang các kiến thức luật, kinh tế và khoa học thông thường ở trong đó.
Bốn
là, niềm ao ước tột cùng
trở về Jerusalem cũng được ghi trong Kinh thánh. Thời cổ đại, dù muốn đi đâu,
làm ăn gì, thì người Do Thái cũng quy ước về quần tụ tại Jerusalem để hành lễ
ít nhất là 4 lần 1 năm. Đến nay, truyền thống đó vẫn được duy trì và người Do
Thái ở Israel thường về Jerusalem mỗi năm một lần, còn người Do Thái ở khắp nơi
trên thế giới thì về ít nhất 1 lần trong đời. Kinh Thánh Do Thái ra đời trong
bối cảnh người dân Do Thái đã từng mất tổ quốc, mất Jerusalem trong một thời kỳ
dài từ hàng trăm năm trước đó. Do đó, Kinh Thánh nhắc nhở người Do Thái rất kỹ
về điều này. Truyền thống có từ cả ngàn năm nay và đến nay vẫn được duy trì
trong cộng đồng Do Thái, là khi gặp nhau, hoặc khi viết thư, họ thường nói đến
việc “sớm hẹn gặp nhau tại Jerusalem”, “hẹn gặp tại Jerusalem vào năm tới”. Do
đó, ước nguyện trở về Jerusalem, lấy lại Jerusalem luôn cháy bóng trong mỗi
người Do Thái và họ không bao giờ quên điều này khi tha hương.
Đạo
Do Thái và việc duy trì nòi giống
Việc thực hiện nghiêm
ngặt các phong tục tập quán của Do Thái giáo giúp người Do Thái sàng lọc gien
“xấu”, lấy và nhân giống gien “tốt”. Thực ra, không chỉ người Do Thái làm vậy,
mà các dân tộc khác như ngoài Hoa và Việt Nam cũng có những vần thơ để chọn
người xứng đôi, vừa lứa như “Trai anh hùng, gái thuyền quyên”, “Nữ tuệ tam tài
nguyên thị đối” (Gái giỏi trai tài nom thật đối), v.v…. Chắc chắn đây không chỉ
là chuyện “tâm đầu, ý hợp” của trai gái, mà còn liên quan đến việc duy trì nòi
giống sau này.
Nếu như người Đông Á
chỉ dừng lại ở mức “khuyên răn” thì người Do Thái đã “luật hóa” và “hệ thống
hóa” được việc chọn lọc có chủ đích thay cho việc chọn lọc tự nhiên, vô thức để
“hoàn thiện” và “phát triển” gien của mình:
Một
là, trong Đạo Do thái,
Giáo sĩ (các Rabbis) là những người được chọn từ những người thông minh nhất.
Các Rabbis là người diễn giải Kinh thánh có uy tín và trọng lượng nhất, duy trì
các giá trị “chính thống” và được xã hội hết sức trọng vọng. Tuy là thầy tu, nhưng
các Rabbis vẫn có con như những người bình thường, và thậm chí có rất nhiều
con. Do có uy tín cao trong xã hội, nên họ dễ dàng chọn hôn thê và hôn thê được
họ ưu tiên chọn thường là con cái của các học giả (scholars), rồi sau đó mới
đến con các nhà buôn.
Hai
là, không chỉ các Rabbis
chọn như vậy, kinh thánh Do Thái thậm chí còn khuyên mọi người là nếu có tiền
của thì hãy tìm cách cho con cái của mình lấy con gái của các học giả. Kinh
thánh khuyến khích người Do Thái sinh nhiều con, cho rằng sinh 13 con thì sẽ có
nhiều may mắn. Nhưng trên thực tế lại có các “phanh hãm” đối với người nghèo,
người ít học là sinh ra con cái nhưng phải đảm bảo các điều kiện kinh tế và tài
chính. Chính điều này làm cho người nghèo, người ở tầng lớp thấp không “sinh
tràn lan”, mà sinh có trách nhiệm và số người này chiếm tỷ lệ ngày một ít đi
trong so sánh tương đối với những người có “gien” tốt, hoặc có điều kiện vật
chất tốt hơn. Trải qua hàng ngàn năm chọn lọc có điều kiện như vậy nên việc có
được nhiều gien tốt trong người Do Thái là điều dễ hiểu.
Ba
là, trong quan niệm Do
Thái chính thống, và ngay tại các khu vực người Do thái chính thống sinh sống
hiện nay tại Israel, phụ nữ, con gái không bao giờ được “bén mảng” đến Nhà thờ.
Trái lại, đàn ông dù bận công việc đến mấy cũng tìm cách đến nhà thờ vào lúc 6h
chiều hàng ngày để làm lễ trước khi về nhà. Tuy nhiên, phụ nữ Do Thái lại được
xem là có “quyền năng” tuyệt đối trong việc duy trì nòi giống. Con của một phụ
nữ Do Thái đương nhiên được coi là người Do Thái, còn con của người đàn ông Do
Thái với một phụ nữ không phải Do Thái thì chỉ được coi là người Israel (nếu
như sống ở Isael), chứ không được coi là người Do Thái. Thời xa xưa, việc gia
đình người Do Thái có một cô con gái lấy chồng không phải người Do Thái bị coi
là “nỗi nhục” của cả gia đình và dòng họ, và người bố “từ con” bằng cách đào
một nấm mộ giả coi như đứa con mình dứt ruột đẻ ra đã chết.
Nhiều nhà thần học mà
tôi có điều kiện tiếp xúc cho rằng Đạo Do Thái hiện là một trong số ít tôn giáo
“giữ” được “kỷ cương” khá tốt. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau xung
quanh câu chuyện này và cần nghiên cứu sâu hơn mới có câu trả lời thỏa đáng.
Quả thực, bất kỳ tôn giáo lớn hoặc quan trọng nào đều đứng trước 3 thách thức
lớn trong quá trình phát triển, đó là:
§ Duy trì được sự thống nhất, giữa các dòng,
nhánh, xu hướng khác nhau trong cùng một tôn giáo, duy trì một đức tin chung
trong thể thống nhất. Ví dụ, sự phân liệt rõ nhất thể hiện ở Đạo Hồi hiện nay
với các dòng Shia, Suni, rồi nhánh Wahabis thuộc Suni, nhánh Alewite, Druze
thuộc dòng Shia…, mà dòng, nhánh nào cũng cho mình mới là “chính thống”, còn
những dòng, nhánh khác là “ngoại đạo”, cần bị loại bỏ để làm “trong sạch” Đạo
Hồi;
§ “Đồng hành” cùng xã hội hiện đại, nhưng vẫn
duy trì các giá trị, các nguyên tắc “cốt lõi” (tức tính chất “chính thống”, mặc
dù việc diễn giải và tự nhận các tính chất này còn nhiều điều phải bàn);
§ Tránh việc tạo ra một tầng lớp “tăng lữ” mới,
với các đặc quyền, đặc lợi, hủy hoại chính tôn giáo của mình.
Do Thái giáo cũng
không phải là ngoại lệ, nhưng ít gặp các “vấn nạn” ở trên hơn, do:
§ Ngay khi ra đời, Do Thái giáo đã không có “vấn
nạn”, đưa đến sự kình chống nhau sâu sắc giữa các dòng tu. Đạo Hồi chẳng hạn,
ngay sau khi Nhà tiên tri Mohamed qua đời, sự giằng xé giữa những người cho
rằng cần phải chọn người thừa kế hoặc có dòng màu trực hệ để “hướng đạo” hạy
chọn những người có khả năng nhất trong việc kế thừa và phát triển di sản của
Mohamed đã đưa đến việc phân chia Hồi giáo thành 2 nhánh lớn là Shia và Suni.
Do Thái giáo cũng có những dòng hết sức cực đoan, thậm chí không công nhận Nhà
nước Israel, nhưng họ vẫn hợp tác, và không đi đến chỗ đối đầu nhau bằng bạo
lực. Những người có tác dụng giữ sự hòa hợp và thống nhất Đạo Do Thái là các
giáo sĩ và Hội đồng giáo sĩ.
§ Trong hệ thống luật dân sự của Israel, còn có
luật Do Thái Halakha tương tự như luật Sharia của Hồi giáo mà một số nước như
Arab Saudi, Brunei… áp dụng. Halakha bao gồm 613 điều răn (commandments) với hệ
thống tòa án riêng, và các “bản án” tôn giáo đối với người có đạo thậm chí còn
đáng sợ và nghiêm khắc hơn các bản án dân sự. Luật Halakha tồn tại trong mọi
ngóc ngách của đời sống xã hội, can thiệp sâu và điều chỉnh rất nhiều quy tắc,
tập tục của đời sống xã hội. Nếu không tuân theo Halakha, các Rabbis có quyền
rút “Phép thông công” (excommunicate) – tương đương với một bản án tử hình – và
điều này cũng đồng nghĩa với việc khi qua đời, linh hồn người chịu hình phạt đó
không được bay lên Thiên đàng.
§ Người theo Đạo chính thống Orthodox tin và tự
chọn cho mình lối sống theo các giá trị truyền thống và nguyên tắc nguyên thủy.
Tuy nhiên, họ không tìm cách áp đặt lối sống của mình hay kỳ thị những người
thế tục. Bản thân các Giáo sĩ (Rabbis) và những người Orthodox không được hưởng
đặc quyền, đặc lợi, họ thỏa mãn với cuộc sống thanh bạch của mình. Trong đạo
Hồi chẳng hạn, những người Wahabbis cũng có cuộc sống thanh bạch, khắc khổ,
nhưng điều nguy hại là họ lại tìm cách áp đặt lối sống của mình lên những
dòng, nhánh khác.
§ Khác với các Đạo giáo khác là tìm mọi cách
truyền đạo để mở rộng thành viên, càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, để trở thành
một người Do Thái rất khó, phải có căn cứ, bằng chứng xác nhận tới ít nhất 4
đời trước đó và quy theo mẫu hệ. Họ cho rằng, đã là “thiên sứ nhà trời”, “được
chúa chọn” thì chỉ có ít người được hưởng vinh dự, chứ đâu có thể kết nạp tràn
lan, cứ vào đến synagogue (nhà thờ Do Thái) là trở thành Do Thái ngay được.
Trong những điều kiện
khắc nghiệt thời kỳ Đế quốc La mã là bá chủ khu vực Trung Đông, để tránh bị
truy đuổi và tận diệt, người Do Thái buộc phải cải đạo sang đạo Thiên chúa. Tuy
nhiên họ lại cải đạo trở lại thành người Do Thái khi điều kiện cho phép. Bản
thân Hitler là người rất căm thù dân Do Thái, một cộng đồng đoàn kết nhưng sống
tách biệt với người bản xứ. Trong con mắt Hitler, đã sinh ra là một người Do
Thái thì sẽ luôn luôn là một người Do Thái, cải đạo chẳng giúp ích gì, và quyết
truy sát 1 người nếu tìm được bằng chứng trước đó 4 đời họ là người Do Thái.
Tản
mạn thay lời kết: Chuyện ăn uống và tố chất của người Do Thái
Đồ ăn Kosher (Kosher
food) là đồ ăn được chế biến và ăn theo kiểu Do Thái. Đối với người Do Thái
Chính thống, việc sử dụng Kosher là điều gần như bắt buộc, còn đối với người
thế tục thì tùy lựa chọn. Các canteen phục vụ tai các cơ quan chính phủ Israel
như Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng nghiễm nhiên là các nhà hàng phục đồ ăn
Kosher. Đồ ăn Kosher hiện ngày càng trở nên phổ biến tại Israel và trên khắp
thế giới và không chỉ người Do thái chính thống mới dùng. Hiện nay, có 100.000
loại thực phẩm Kosher khác nhau được bán trên phạm vi toàn thế giới.
Vậy Kosher là gì và ăn
như thế nào? Trong Halakha quy định rất rõ, chi tiết và khá phức tạp, nhưng
chung quy lại có một số điểm chính:
Về các thức ăn Kosher:
§ Một số con vật ăn được: chỉ ăn những con vật
có móng chẻ, ăn cỏ và nhai thức ăn lại như bò, dê, cừu. Các con vật không ăn
được là lợn, ngựa, và lạc đà. Lợn tuy có móng chẻ nhưng không nhai
lại, còn ngựa, lạc đà tuy ăn cỏ nhưng không có móng chẻ.
§ Ăn các loài có cánh như gà, vịt, ngỗng, bồ
câu… Không ăn các loài chim ăn thịt như diều hâu, chim ưng, đại bàng.
§ Ăn các loài cá có vây và vẩy như các hồi, cá
ngừ, cá trích… Không ăn các con cá không vảy như lươn, các trê, cá tầm, tôm,
tép, nghêu sò, ốc hến, các loài bò sát, côn trùng.
§ Các thức ăn trung tính như trái cây, nước trái
cây, ngũ cốc, trứng gà vịt, mật ong, rượu vang, chè, café.
Về cách ăn đồ Kosher:
§ Chỉ uống sữa và các vật phẩm chế biến từ sữa
của các con vật Kosher như bò, dê, cừu. Chỉ được dùng sữa và các vật phẩm chế
từ sữa 6 tiếng sau khi dùng thịt, hoặc 30 phút trước khi ăn thịt chứ không được
ăn, uống đồng thời. Đồ chế biến sữa và thịt, kể cả chậu rửa bát nhất thiết phải
dùng riêng.
§ Lúa mì, gạo, và một số loại rau, củ nhất định
thì ăn được. Không ăn, uống nước trái cây hoặc đồ chế biến từ các loại loại quả
như cam, quýt, bưởi… dưới 3 tuổi.
§ Không ăn nội tạng động vật hay gia cầm; không
ăn phần phía sau của con thú và không ăn thịt, cá đồng thời.
§ Khi ăn thịt phải lấy hết sạch máu và người chế
biến phải học cách giết con vật sao cho con vật chết nhanh nhất, không đau đớn,
nhưng lại ra được hết tiết. Thậm chỉ còn phải rửa sạch và ngâm miếng thịt trong
nước 30 phút trước khi chế biến để ra hết máu,
§ Các nhà hàng Kosher nhất thiết phải do đầu bếp
Do thái chính thống trực tiếp nấu nướng và bị phạt rất nặng, kể cả tước giấy
phép kinh doanh, hành nghề nếu vi phạm.
Có lẽ trên thế giới
không có dân tộc nào có kiểu ăn “kiêng, khem” phức tạp và rườm rà như người Do
Thái chính thống. Các nhà hàng phục vụ đồ ăn Kosher thường đắt hơn từ 20-30% so
với nhà hàng thông thường, vậy mà lúc nào cũng đông khách ăn.
Theo tôi, đây không
chỉ là đồ ăn kiêng của người Do Thái, mà THỰC CHẤT KOSHER LÀ ĐỒ ĂN, CÁCH ĂN
THÔNG MINH, KHOA HỌC, THẬM CHÍ LÀ LÝ TƯỞNG không chỉ của người Do Thái, mà của
con người nói chung. Nếu chỉ khuyên nhủ thông thường sẽ ít người theo, nhưng
khi khoa học được “phủ” một lớp màu tôn giáo thì Kosher đã trở nên thành món ăn
kỳ ảo, mê hoặc và quyến rũ.
Tạm cắt nghĩa một số
thứ:
§ Theo người Do Thái, con vật cũng như con người
đều có linh hồn. Nếu làm cho con vật chết đau đớn thì nó sẽ oán trách và cả
người thịt lẫn người ăn nó đều bị “quở phạt”. Do đó, giết nhanh để con vật mau
chóng được hóa kiếp lên thiên đàng.
§ Khi con vật cắt được tiết nghĩa là con vật còn
tươi, chứ không phải ăn đồ ôi. Thú tính và sự ngu muội của con vật nằm ở “dòng
máu”, và ăn thú vật hay gia cầm có tiết sẽ làm con người lâu dần nhiễm “thú
tính” và đầu óc trở nên trì độn, còn nòi giống đi đến chỗ thoái hóa.
§ Thịt ăn cùng với cá không còn tác dụng bổ
dưỡng nữa, mà triệt tiêu lẫn nhau. Còn trái cây trong 3 năm đầu thường chứa
nhiều chất, độc tố có hại cho cơ thể.
§ Uống sữa sau khi ăn thịt không tốt cho sức
khỏe vì bản thân thịt nhiều chất đạm, lâu tiêu lại có thêm chất bổ dưỡng khác
nữa làm cho cơ thể không thể hấp thụ nổi và dễ sinh bệnh.
§ Trong điều kiện thiên nhiên hết sức khắc
nghiệt của vùng Bắc Phi – Trung Đông, việc ăn uống tốt giúp người Do Thái chống
chọi tốt hơn với khí hậu khắc nghiệt, làm cho không chỉ thể trạng khỏe khoắn mà
trí tuệ của họ cũng hơn người. Các cụ nhà ta chả nói bệnh vào từ mồm đó sao?
Như vậy, trải qua cả
ngàn năm, với cuốn Kinh Thánh Hebrew, người Do Thái không chỉ thành công trong
việc bảo tồn, mà còn phát triển bản sắc, văn hóa, tôn giáo của mình. Không
những vậy, thông qua ăn uống, cuộc sống tinh thần lành mạnh, làm cho “gien Do
Thái” vốn đã ưu việt, ngày một trở nên ưu việt hơn. Khác với các tôn giáo khác,
người Do Thái không tìm cách phát triển tôn giáo của mình qua con đường truyền
đạo như Đạo Hồi, Đạo Thiên chúa, hay Đạo Phật, mà tìm cách giữ sao cho Do Thái
giáo càng “thuần khiết” càng tốt. Phải chăng những người được Chúa “chọn mặt
gửi vàng” đâu có thể phát triển tràn lan được!
Có lẽ chính vì vậy mà
cách đây từ trên 3.000 năm Nhà tiên tri Moses của người Do Thái đã lường trước
điều này khi ông, ngay từ khi đó, đã hình dung ra rằng nếu người Do Thái làm
theo các lời răn dạy của ông thì họ sẽ trở thành đối tượng bị săn đuổi và tận
diệt của nhiều sắc dân khác và vì vậy đã chuẩn bị cho họ hành trang đầy đủ
trong cả ngàn năm thiên di trước khi “trở về Jerusalem”. Điều ngạc ngạc nhiên
là người Do Thái không than thân, trách phận mà họ coi đó là “sự thử thách” của
Chúa trời đối với dân tộc Do Thái!
TS. Hoàng
Anh Tuấn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao, Bộ Ngoại giao
Việt Nam. Bài viết tổng hợp những ghi chép đăng lần đầu trên trang
Facebook của tác giả về chuyến công tác tới Israel gần đây, thể hiện
quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét